Dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội lớn
.
Dệt may Việt Nam đứng trước cơ hội lớn
(ĐTCK) Sản phẩm vải sợi có xuất xứ từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ bị áp thuế tới 25% từ đầu năm 2019, hàng may mặc cũng đang bị đề xuất tăng thuế vào thị trường này. Ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đơn hàng dịch chuyển mạnh sang Việt Nam
Xu hướng các nhà nhập khẩu (chủ yếu là Mỹ) dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam không mới, nhưng đáng chú ý là tốc độ dịch chuyển đang diễn ra nhanh hơn từ đầu năm 2018 do lo ngại rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Điều này được thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng tích cực của nhiều doanh nghiệp ngành này trong nửa đầu năm nay, điều hiếm gặp ở các năm trước do không phải là mùa cao điểm.
Ngày 17/9/2018, Chính quyền Tổng thống Trump thông báo sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với gói hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 200 tỷ USD. Mức thuế dự kiến tăng lên tới 25% từ đầu năm 2019. Trong danh sách các mặt hàng bị áp thuế bổ sung có các sản phẩm sợi và vải.
Theo số liệu của Phòng Quản lý hàng dệt may (OTEXA), Bộ Thương mại Mỹ, tổng giá trị nhập khẩu sợi và vải từ Trung Quốc năm 2017 của quốc gia này là 2,06 tỷ USD (trong đó, giá trị sợi là khoảng 200 triệu USD và vải khoảng 1,8 tỷ USD).
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cho biết, hàng năm, Mỹ nhập khoảng 25.000 – 28.000 tấn sợi polyester filament từ Trung Quốc.
Mỹ chủ yếu nhập sợi polyester có yêu cầu chất lượng cao (sử dụng cho ngành công nghiệp ô tô), vì vậy, khi thuế suất nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh, các công ty của Mỹ đang tìm nguồn hàng thay thế từ thị trường khác.
Theo ông Hòa, hiện ở Việt Nam, chỉ có ít doanh nghiệp như Sợi Thế Kỷ có thể đáp ứng các yêu cầu về loại sợi này. Mặc dù khối lượng tiêu thụ không nhiều, nhưng do yêu cầu kỹ thuật cao nên giá bán loại sợi này khá tốt.
Sợi Thế Kỷ đang làm việc với các công ty chuyên nhập khẩu sợi vào thị trường Mỹ để xúc tiến xuất khẩu sang thị trường này.
Trong những năm gần đây, ngành dệt nhuộm Việt Nam có những chuyển biến khá tích cực. 8 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu vải của Việt Nam đạt khoảng 1,09 tỷ USD, chủ yếu sang các quốc gia Đông Nam Á.
Việc vải, sợi của Trung Quốc bị áp thuế bổ sung, ông Hòa cho rằng, sẽ mở ra cơ hội cho ngành sản xuất vải của Việt Nam, gián tiếp thúc đẩy nhu cầu về sợi ở thị trường trong nước.
Ông Trần Như Tùng, Thành viên Hội đồng quản trị CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cũng cho biết, về lý thuyết, việc áp thuế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc vào Mỹ giúp dệt may Việt Nam hưởng lợi. Đối với TCM, hiện các nhà máy đã chạy hết công suất.
Công ty đang thực hiện kế hoạch nâng công suất vải (tăng thêm 20 - 25% công suất hiện tại) và may (tăng thêm 3 triệu sản phẩm/năm, tương ứng 10%). Còn về sản phẩm sợi, TCM chưa có kế hoạch tăng công suất, chủ yếu đáp ứng nhu cầu sản xuất nội tại của Công ty.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Hồng Giang, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), việc dịch chuyển sản xuất, đơn hàng may mặc sang các nước có năng lực như Việt Nam đương nhiên diễn ra.
Dù vậy, không loại trừ khả năng các nhà sản xuất nước ngoài, trong đó phần nhiều là các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thiết lập chuỗi sản xuất từ sợi - vải - may tại Việt Nam để tránh ảnh hưởng từ đòn trừng phạt thương mại của Mỹ.
Trong trường hợp này, các doanh nghiệp nội địa Việt Nam không được hưởng lợi nhiều. Nếu họ chỉ thiết lập đến khâu sợi - vải thì sẽ có lợi hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi hầu hết các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ có thế mạnh và kinh nghiệm về khâu may.
Do đó, theo ông Giang, để doanh nghiệp dệt may Việt Nam hưởng lợi thực sự, phải chờ đợi thêm việc áp thuế lên hàng may mặc Trung Quốc.
Đứng trước cơ hội bùng nổ
Trong tuyên bố ngày 17/8/2018, Tổng thống Trump cảnh báo, sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung cho gói hàng hóa nhập từ Trung Quốc có giá trị 267 tỷ USD nếu Trung Quốc trả đũa và áp thuế lên các sản phẩm nông nghiệp hoặc các ngành công nghiệp khác của Mỹ. Gói hàng hóa giá trị 267 tỷ USD sẽ bao gồm các sản phẩm may mặc.
Hiệp hội Dệt Hoa Kỳ (NCTO) cũng đề xuất lên Chính phủ việc đánh thuế bổ sung đối với hàng may mặc có xuất xứ Trung Quốc vì ngành hàng này chiếm tới 93,5% tổng giá trị nhập khẩu hàng dệt may của Trung Quốc vào Mỹ (tổng giá trị nhập khẩu hàng may mặc từ Trung Quốc năm 2017 là 27 tỷ USD).
Theo NCTO, việc đánh thuế bổ sung đối với hàng may mặc sẽ tác động sâu rộng hơn tới Trung Quốc, vì ảnh hưởng tới ngành sợi, dệt (nguồn cung nguyên liệu) cũng như việc làm của người Trung Quốc vì ngành may là ngành thâm dụng lao động.
NCTO cho rằng, Mỹ sẽ tìm được nguồn cung hàng may mặc từ các quốc gia khác ở Tây bán cầu mà Mỹ đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (chủ yếu là các quốc gia ở châu Mỹ như Mexico, Honduras, Elsalvado, Nicaragua, Guatelama và Peru).
Theo số liệu của OTEXA, tổng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ từ các quốc gia này năm 2017 khoảng 13,3 tỷ USD.
Ông Giang nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam và cả doanh nghiệp FDI sẽ hưởng lợi nếu điều này xảy ra. Trong đó, doanh nghiệp FDI có lợi thế là chuỗi cung ứng khép kín, quan hệ chặt chẽ và truyền thống với các thương hiệu, người mua chính ở thị trường Mỹ.
Trong khi đó, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC) cho biết, doanh nghiệp dệt may sẽ không tận dụng được cơ hội gia tăng đơn hàng nếu không đủ năng lực sản xuất.
Hiện GMC đang hoạt động hết công suất, không nhận thêm đơn hàng mới. Có khách hàng truyền thống của GMC muốn gia tăng đơn hàng khoảng 20%, nhưng GMC cũng phải cân nhắc bởi câu chuyện còn nằm ở nhà xưởng, là nhân công và tay nghề.
Theo ông Hùng, nếu chỉ đầu tư máy móc thì rất dễ, nhưng dệt may là ngành thâm dụng lao động, tức phụ thuộc vào lao động. Nếu đơn hàng gia tăng, trước mắt, doanh nghiệp sẽ phải cạnh tranh về thu hút lao động, đẩy chi phí tăng lên.
Ngoài ra, dệt may Việt Nam chưa có công nghiệp hỗ trợ, trong khi thị trường EU thì yêu cầu xuất xứ từ vải, còn Mỹ là từ sợi thì chẳng có mấy doanh nghiệp thuần Việt đáp ứng được.
Năm 2018, doanh số kế hoạch của GMC là 1.900 tỷ đồng, trong đó nguyên phụ liệu mua ở Việt Nam chiếm 50% và GMC có thể xem là doanh nghiệp làm FOB sử dụng nguồn nguyên phụ liệu nội địa lớn nhất.
Tuy nhiên, 50% nguyên phụ liệu này lại được cung cấp 100% từ doanh nghiệp FDI. Như vậy, phần “hưởng lợi” của doanh nghiệp chưa chắc đã nhiều khi chỉ làm ở các khâu gần cuối chuỗi giá trị.
Tại TCM, ông Trần Như Tùng cho biết, Công ty có kế hoạch đón đầu cơ hội đơn hàng gia tăng. Mới đây, Công ty đã mua lại nhà máy gia công cho TCM nên không mất nhiều thời gian cho việc mở nhà xưởng, đào tạo tay nghề nhân công.
Ông Hòa thì cho rằng, ngành may mặc Việt Nam sẽ bùng nổ, tuy nhiên sẽ tăng trưởng đến một mức nào đó rồi chậm lại, vì thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, còn có rủi ro phía Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.
Hàng may mặc Việt Nam sẽ là đối tượng được đưa vào tầm ngắm soát xét nhiều nhất, vì Việt Nam là nước láng giềng của Trung Quốc.
Do đó, ông Hòa khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Hòa cũng nhận định, ngành dệt sợi trong nước chắc chắn sẽ hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong các quốc gia châu Mỹ có FTA với Mỹ, chỉ có Mexico có nền công nghiệp dệt nhuộm, nhưng quốc gia này lại không có ngành công nghiệp sợi.
Do đó, họ sẽ phải nhập sợi từ quốc gia khác. Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sợi trực tiếp vào Mexico do chất lượng sợi tốt hơn các đối thủ khác (như Ấn Độ) và Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo CPTPP.
Các quốc gia có FTA với Mỹ như Honduras, Nicaragua, Elsalvado, Guatemala chỉ có ngành công nghiệp may nên bắt buộc phải nhập vải từ châu Á.
Các công ty sợi của Việt Nam sẽ được hưởng lợi gián tiếp do nhu cầu sợi ở trong nước tăng lên để phục vụ cho việc xuất khẩu hàng may mặc vào Mỹ và xuất khẩu vải sang các quốc gia khác.
News & Events other
News & Events
Online Support
-
Hotline
Counter session
- Online 4
- Today 288
- Yesterday 334
- Maximum 4335
- Total 805961