Cổ phiếu dệt may tiếp tục thăng hoa trước tín hiệu tích cực từ xuất khẩu
Cổ phiếu dệt may tiếp tục thăng hoa trước tín hiệu tích cực từ xuất khẩu
Lũy kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu nhóm hàng dệt may đạt 19,76 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.
Ngành dệt may ghi nhận rất nhiều ý kiến trái chiều kể từ khi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc lên cao, một mặt chịu tác động tiêu cực chung của nền kinh tế, mặt khác có thể hưởng lợi từ quá trình tăng tốc chuyển dịch hàng hoá nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Tuy nhiên, đến nay tất cả những gì chúng ta thấy được ở ngành may mặc Việt Nam là khả quan, nếu không muốn nói là rất khả quan. Chỉ số công nghiệp may mặc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2016, đạt 17,2%. Doanh nghiệp trong ngành ồ ạt chào đón đơn hàng, kết quả kinh doanh tăng trưởng đáng kể.
Cổ phiếu dệt may tăng mạnh mẽ
Song song với đó, cổ phiếu của những đơn vị dệt may niêm yết thời gian gần đây bắt đầu trở mình và tăng tốt trở lại, thanh khoản cải thiện đáng kể sau chuỗi ngày thầm lặng.
Đặc biệt phiên hôm 18/9, trước tâm bão Mỹ chính thức áp thuế 10% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, cổ phiếu nhóm dệt may vẫn tăng bạo.
Đáng chú ý cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG lập tức kịch trần (đạt 14.000 đồng/cp) ngay sau thông tin kết quả kinh doanh 8 tháng khả quan, với doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 2.359 tỷ đồng và 118 tỷ đồng, tương ứng tăng hơn 44% và 53% so với cùng kỳ năm 2017. So với con số kế hoạch là 2.750 tỷ doanh thu và 127 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, TNG đã lần lượt thực hiện được 86% và 93% chỉ tiêu cả năm.
Đi cùng với đó, những mã khác như TCM của Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công cũng bứt phá gần 3% ngay đầu phiên, GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh tăng gần 2% lên mức 38.2000 đồng/cp… Bên cạnh nhóm dẫn đầu, những đơn vị còn lại như VGT (Vinatex), VGG (Dệt may Việt Tiến), STK (Sợi Thế Kỷ)… cũng xanh điểm.
Xuất khẩu 8 tháng đạt kỷ lục 19,76 tỷ USD, Mỹ đứng đầu với tỷ trọng hơn 46%
Có thể thấy rằng, trong ngắn hạn chiến tranh thương mại đang mang lại rất nhiều lợi thế cho ngành dệt may nói chung và doanh nghiệp nói riêng, điều này cũng được nhiều chuyên gia và lãnh đạo trong ngành đề cập trước đó.
Trước hết tổng quan về ngành, trên thực tế, xu hướng các nhà nhập khẩu Mỹ chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã diễn ra trong những năm gần đây và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể đẩy tốc độ dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhanh hơn. Theo số liệu của OTEXA, giai đoạn 2013-2018 ghi nhận thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ tăng cả về khối lượng lẫn giá trị, trong khi thị phần của Trung Quốc liên tục sụt giảm.
Riêng trong năm nay, giá trị xuất khẩu hàng dệt may đã tăng đều đặn 5 tháng liên tiếp và tháng 8 lập kỷ lục 3,16 tỷ USD. Theo đó, dệt may hiện là mặt hàng xuất khẩu đứng thứ 2, chỉ sau xuất khẩu điện thoại, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng (cả năm 2017 chỉ chiếm 12,2%).
Lũy kế 8 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 19,76 tỷ USD, tăng 16,9%, tương ứng tăng 2,86 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Sau 2/3 chặng đường của năm 2018, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 9,11 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm 46,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của cả nước.
Như vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có ảnh hưởng đến công nghiệp dệt may của Việt nam, SSI Research nhận định, và với lợi thế nhiều hiệp định FTA cùng bù lấp khoảng trống mà doanh nghiệp Trung Quốc để lại, tăng trưởng ngành dệt may hứa hẹn tiếp tục khả quan trong phần còn lại của năm 2018.
Vi mô tại doanh nghiệp, nửa đầu năm 2018 hầu hết các đơn vị cũng đều ghi nhận lãi tăng trưởng, đứng đầu có Dệt may Hòa Thọ (HTG) với mức tăng 329%, tăng trưởng trên 70% có Sợi Thế Kỷ (STK) và May Sông Hồng (MSH). Cùng với đó, những đơn vị khác từ lớn đến nhỏ như Gilimex (GIL), Damsan (ADS)… cũng đều khả quan.
Điều này góp phần tạo động lực đẩy cổ phiếu bứt phá, điển hìnnh như tại những mã dệt may tăng mạnh gần đây. Trong đó với TCM, hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 7 năm 2018 đạt kết quả rất ấn tượng với doanh thu thuần đạt khoảng 15,4 triệu USD, tỷ suất lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt khoảng 17%. Lũy kế 7 tháng đầu năm, lợi nhuận của TCM đạt gần 147 tỷ đồng, đạt khoảng 133% so với kế hoạch.
Hay cổ phiếu GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh tiếp tục giữ vững ngôi đầu chỉ tiêu EPS. Về kinh doanh, lũy kế 6 tháng đầu năm doanh thu của GIL đạt 1.247 tỷ đồng, tăng 21% và lãi ròng đạt 64,4 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước. Tương ứng mức EPS 6 tháng đầu năm là 4.944 đồng.
Một số đơn vị đầu ngành về sản xuất, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, VGT) nửa đầu năm doanh thu thuần đạt 9.386 tỷ đồng, tăng 13,4% và thực hiện được 46% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 480,7 tỷ đồng, tăng 58,4% so với nửa đầu năm ngoái. May Việt Tiến (VGG) cũng khả quan với mức doanh thu thuần 4.612 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ hơn 215 tỷ đồng.
Tin tức & Sự kiện khác
Tin tức & Sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline
Thống kê truy cập
- Đang truy cập 5
- Trong ngày 493
- Hôm qua 540
- Truy cập nhiều nhất 4335
- Tổng truy cập 781014