Cổ phiếu dệt may kỳ vọng bứt phá
Cổ phiếu dệt may kỳ vọng bứt phá
(ĐTCK) Tuy chưa phải là mùa cao điểm, nhưng do có nhiều yếu tố trợ giúp nên sau 8 tháng đầu năm 2018, hầu hết doanh nghiệp dệt may niêm yết đã ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, từ đó tác động tích cực lên thị giá cổ phiếu. Bởi vậy, trong những tháng cuối năm - cũng là thời điểm "vàng" của ngành dệt may, cổ phiếu ngành này được kỳ vọng sẽ tiếp tục bứt phá.
Hoạt động kinh doanh chuyển biến nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm
Ghi nhận ý kiến từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, bên cạnh yếu tố giá bán tăng nhờ giá nguyên vật liệu tăng theo giá dầu, doanh thu trong kỳ tăng trưởng chủ yếu do đơn hàng gia tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Việc đơn hàng gia tăng xuất phát từ kỳ vọng vào các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và sắp ký kết sẽ khiến hàng rào thuế quan dần được gỡ bỏ, đưa mức thuế giảm dần về 0%.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong ngành dệt may được cải thiện, trong khi Trung Quốc mất dần lợi thế về chi phí sản xuất (giá nhân công tăng, vấn đề môi trường... khi thời gian qua, Trung Quốc đã đóng cửa hàng chục ngàn nhà máy dệt may do ô nhiễm môi trường), cũng là nguyên nhân giúp đơn hàng tăng do sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam gia tăng.
Thực tế cho thấy, xu hướng các nhà nhập khẩu (chủ yếu là Mỹ - thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam) chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam đã diễn ra trong vài năm qua, nhưng tốc độ dịch chuyển đã trở nên nhanh và quyết liệt hơn kể từ đầu năm 2018 do lo ngại rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Theo số liệu của OTEXA, trong giai đoạn 2013-2018, thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ tăng cả về khối lượng lẫn giá trị, trong khi thị phần của Trung Quốc liên tục sụt giảm.
Ngoài các lý do trên, một yếu tố khác giúp các doanh nghiệp dệt may thúc đẩy hoạt động kinh doanh, cải thiện biên lợi nhuận, đó là tỷ lệ đơn hàng sản xuất và xuất khẩu theo phương thức FOB (giá trị gia tăng cao) tăng mạnh.
Theo giới chuyên gia, việc thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tập trung vào các sản phẩm cao cấp, đồng thời đa dạng hóa thị trường xuất khấu chính là giải pháp giúp các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng trưởng bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày một mạnh mẽ như hiện nay.
Cổ phiếu dệt may được kỳ vọng sẽ bứt phá
Tiếp đà tích cực trong 6 tháng đầu năm, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT CTCP Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (TCM) cho biết, hoạt động kinh doanh trong tháng 7 và tháng 8 của Công ty tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan.
Tính riêng tháng 8, TCM đạt doanh thu 463 tỷ đồng - mức doanh thu tháng cao nhất từ trước đến nay, tỷ suất lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh đạt khoảng 19%.
Lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 39 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, TCM đạt doanh thu 2.467,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 105 triệu USD), hoàn thành 80% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế là 185,65 tỷ đồng, vượt 44% kế hoạch 8 tháng và hoàn thành 100% kế hoạch năm.
Theo ông Tùng, có được kết quả này là nhờ TCM đã cơ cấu lại sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất. Hiện TCM đang đặt gia công thêm tại các nhà máy bên ngoài để đáp ứng các đơn hàng đã ký.
Trên thị trường chứng khoán, nhờ hoạt động kinh doanh tích cực, giá cổ phiếu TCM ghi nhận mức tăng gần 43% từ đầu tháng 7 đến nay, từ mức 18.850 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP, khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 840.000 đơn vị/phiên.
Cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và thương mại TNG tăng hơn 23% trong 2,5 tháng qua, hiện dao động quanh mức 13.000 đồng/CP.
Theo TNG, doanh thu tháng 8/2018 của Công ty đạt 459 tỷ đồng, tăng 147% so với tháng 8/2017; lợi nhuận ước đạt 27 tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, doanh thu đạt 2.359 tỷ đồng, hoàn thành 86% kế hoạch cả năm; lợi nhuận đạt gần 118 tỷ đồng, tăng 154% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành gần 93% kế hoạch năm.
Dự kiến năm 2018, TNG đạt 3.450 tỷ đồng doanh thu và 157 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cùng tăng khoảng 125% so với kế hoạch đặt ra.
Đại diện TNG cho biết, hiện Công ty vẫn đang trong quá trình mở rộng quy mô sản xuất để đón đầu các hiệp định thương mại. Đồng thời, có thêm nhiều đơn đặt hàng mới của các thương hiệu lớn dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Dự kiến, biên lợi nhuận của TNG sẽ cải thiện đáng kể do đơn hàng FOB tăng lên, thay thế đơn hàng CMT (cắt may) thông thường.
Ghi nhận sự bứt phá sau thời gian dài tích lũy, cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh và xuất nhập khẩu Bình Thạnh đang cho thấy sức hấp dẫn dòng tiền đầu tư.
Tính từ đầu tháng 6/2018, cổ phiếu GIL đã tăng 27,5 %, từ mức 40.000 đồng/CP lên 51.000 đồng/CP (giá phiên 14/9), thậm chí đạt mức đỉnh 52.700 đồng/CP trong phiên 10/9.
Hiện tại, GIL là một trong những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) cao nhất thị trường. Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2018, GIL ghi nhận doanh thu 1.247 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 64,4 tỷ đồng, tăng 31%. EPS 6 tháng đạt 4.944 đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 300 tỷ đồng.
Tại CTCP Sợi Thế Kỷ (STK), mục tiêu quan trọng là gia tăng tỷ lệ hàng có giá trị gia tăng cao trong cơ cấu sản phẩm đã được thực hiện từ đầu năm nay, đặc biệt là mặt hàng sợi tái chế (recycled).
Trong quý II/2018, doanh số bán sợi recycled của STK đạt 1.055 tấn, mang lại doanh thu gần 60 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh số bán sợi recycled đạt 2.394 tấn và doanh thu đạt 129,4 tỷ đồng, hoàn thành 35% kế hoạch về doanh số và 38% kế hoạch doanh thu cả năm.
Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược và phát triển doanh nghiệp STK cho biết, ngoài những đơn hàng sợi recycled phục vụ cho may mặc của các thương hiệu thời trang nổi tiếng (Nike, Adidas, Uniqlo…), nhu cầu sử dụng sợi recycled cho sản phẩm giày đang tăng lên.
Trong tháng 7 và 8/2018, doanh số bán sợi recycle của STK tiếp tục tăng. Lũy kế 8 tháng đầu năm, doanh thu mảng sợi tái chế đạt gần 198 tỷ đồng, tăng 43% so với nửa đầu năm và bằng 59% kế hoạch cả năm.
Bên cạnh thay đổi cơ cấu sản phẩm, STK còn ghi nhận kết quả tích cực trong việc phát triển thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… nhờ tăng dần tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường này.
Tuy nhiên, khác với những cổ phiếu cùng ngành, cổ phiếu STK lại trong xu hướng giảm từ đầu năm đến nay, từ mức giá 18.000 đồng/CP giảm về quanh mức 14.000 đồng/CP, tương ứng giảm 28%, thanh khoản khá thấp.
Trong bối cảnh nhu cầu thị trường chung hồi phục và bản thân các doanh nghiệp cũng nỗ lực tái cấu trúc, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất, giới đầu tư kỳ vọng trong những tháng cuối năm - cũng là mùa kinh doanh cao điểm của ngành dệt may, các doanh nghiệp ngành này sẽ đạt kết quả kinh doanh tích cực hơn so với nửa đầu năm, giúp thị giá cổ phiếu bứt phá lên những mức cao mới.
Tin tức & Sự kiện khác
Tin tức & Sự kiện
Hỗ trợ trực tuyến
-
Hotline
Thống kê truy cập
- Đang truy cập 2
- Trong ngày 455
- Hôm qua 693
- Truy cập nhiều nhất 4335
- Tổng truy cập 795894